Tôi muốn tiêm ngừa viêm gan B vậy tôi có cần làm xét nghiệm hay không?

Nhiễm siêu vi B mạn tính là nguyên nhân thường nhất đưa đến tử vong do xơ gan hoặc ung thư gan. Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B rất cao, khoảng 15% dân số, tức khoảng 10-12 triệu người đang mang mầm bệnh

HBV được tìm thấy số lượng lớn trong máu. Ngoài ra còn hiện diện trong tinh dịch, dịch tiết âm đạo, sữa mẹ, và nước bọt, nhưng rất ít trong nước tiểu và không có trong phân.

Lây truyền qua 04 đường, do tiếp xúc với máu hay dịch tiết của người có chứa siêu vi viêm gan B:

  • Mẹ truyền sang con: trẻ sơ sinh, con của bà mẹ bị nhiễm siêu vi B. Ðây là đường lây quan trọng nhất.
  • Ðường tình dục: hoạt động tình dục cùng giới đồng tính nam hoặc khác giới với người nhiễm siêu vi B.
  •  Truyền máu hoặc chế phẩm máu nhiễm siêu vi B, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay với người bị nhiễm siêu vi B, kim chích xăm mình hay xỏ lỗ tai không đảm bảo vô trùng. Nhân viên y tế bị tai nạn chạm phải kim tiêm nhiễm siêu vi B.
  • Tiêm chích ma túy: dùng chung kim tiêm có nhiễm siêu vi B

Trẻ em thường được chủng ngừa viêm gan B khi mới sinh cho đến 1 năm tuổi. Tuy nhiên, do không theo dõi và tiêm nhắc hầu hết người trưởng thành đều không còn kháng thể bảo vệ và có thể nhiễm viêm gan siêu vi B.Do vậy trước tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, cần phải làm các xét nghiệm xem có đang nhiễm viêm gan siêu vi B hay không và có còn kháng thể tồn lưu hay không. Hai xét nghiệm thông thường được chỉ định là:

  • HBS Ag: khảo sát có nhiễm siêu vi B hay không
  • Anti HBS: khảo sát có còn kháng thể tồn lưu hay không

ThS. Lê Chí Thanh