BỘ XÉT NGHIỆM CHUYÊN BIỆT:

Khi bệnh nhân có các triệu chứng bất thường hay có nhu cầu chuyên biệt, tư vấn viên thu thập các thông tin cần thiết và đưa ra bộ xét nghiệm chuyên biệt phù hợp:

1. Bộ viêm khớp: 

  • hs.CRP:  đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể
  • ASO (ANTISTREPTOLYSIN-O): gắn liền với các bệnh về khớp, do vi khuẩn liên cầu khuẩn gây nên các triệu chứng viêm họng, ho sốt, nhiễm liên cầu khuẩn kéo dài sẽ tạo kháng thể kháng liên cầu khuẩn và chính kháng thể này sẽ tấn công các khớp gây bệnh viêm khớp, kháng thể này cũng có thể tấn công vào cơ tim và van tim gây nên bệnh thấp tim, biểu hiện lâm sàng từ nhịp nhanh, rối loạn nhịp (hay gặp bloc nhĩ thất cấp 1), hở van hai lá hoặc van động mạch chủ, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, đến suy tim…
  • RF (Rheumatoid Fator): Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn khá điển hình ở người, dưới dạng viêm mãn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng: sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên. Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, sốt gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác.

2. Bộ theo dõi viêm gan:
Khi bệnh nhân kiểm tra nhiễm viêm gan B, và C nếu bị nhiễm thông thường phải làm bổ sung khám, siêu âm và các xét nghiệm sau:

  • Nhiễm viêm gan B:
    • Xét nghiệm Ag HBe
    • Xét nghiệm HBV DNA Taqman
  • Nhiễm viêm gan C
    • Xét nghiệm HCV RNA Taqman
    • Định tuýp viêm gan C

3. Bộ xét nghiệm phát hiện ung thư chuyên biệt: chỉ áp dụng bộ này cho những người có người thân đã từng bị một loại ung thư xác định. Các xét nghiệm này chỉ có ý nghĩa sàng lọc, khi có nguy cơ cần phải bổ sung thêm các chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết mô.

  • Ung thư vú: CA 15-3, CEA
  • Ung thư buồng trứng: CA12-5, CEA, HE4, AFP
  • Ung thư cổ tử cung: SCC, CEA
  • Ung thư tinh hoàn: βHCG, AFP
  • Ung thư tuyến tiền liệt: PSA
  • Ung thư ruột: CA 72-4, CEA, máu ẩn
  • Ung thư phổi: NSE, CYFRA 21-1, Pro GRP, CEA
  • Ung thư tuyến giáp: CEA, Calcitonin, Thyroglobulin

 

4. Bộ kiểm tra giun sán: khi có kết quả bất thường về nhóm bạch cầu Eosinophile men gan cao, biểu hiện thiếu máu, có các triệu chứng ngứa…

  • Cysticercose (sán dây): tạo hạt gạo trong thịt heo, bò thường liên quan đến việc sử dụng thịt bò tái. Bệnh sán dây trưởng thành chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào.
  • Fasciola (sán lá gan): ấu trùng phát tán trong rau sống thủy sinh và trong các loại ốc gạo, ốc ruộng. Ấu trùng (metacercaria) xâm nhập vào dạ dày ruột, rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu vào gan, phát triển trong tế bào gan, rồi sau đó định hình ở ống mật. Sau khoảng 2- 3 tháng phát sinh triệu chứng: sốt, run lạnh, đau vùng bụng, vùng gan (hông phải). Nếu không điều trị sẽ chuyển sang mạn. Lúc này người bệnh có biểu hiện mệt, chán ăn, buồn nôn, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu, đau khớp, đau cơ, ho, có thể tràn dịch màng phổi. Đồng thời sẽ tạo ra những ổ áp-xe nhỏ, rồi những ổ áp-xe lớn, phá tổ chức gan, dẫn đến xơ gan, gây xơ cứng đường mật, tắc mật, vàng da. Chỉ 23,7% trường hợp được chẩn đoán đúng. 16,9% chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày 32,2% chẩn đoán là ápxe gan.
  • Strongyloids (giun lươn): ấu trùng thường hiện diện trong đất bẩn và xâm nhập xuyên qua da. Các triệu chứng sau đây thường gặp nhất: Các triệu chứng dạ dày ruột bao gồm đau bụng vùng thượng vị trên rốn và tiêu chảy. Các biểu hiện ngoài da bao gồm nổi mề đay ở vùng mông và thắt lưng.  Nhiễm giun lươn lan tỏa xảy ra ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, biểu hiện bằng đau trướng bụng, shock, biến chứng phổi và thần kinh, nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến tử vong.
  • Gnathostoma (giun đầu gai): Ấu trùng có thể thấy trong thịt còn sống hoặc chưa chín của một số sinh vật như cá nước ngọt, sên, ốc, ếch, nhái, gà, heo, chó, mèo…hay trong nước dơ nhiễm trùng. Bất cứ cơ quan nào trong cơ thể cũng có thể bị ấu trùng giun tấn công, triệu chứng thường thấy nhất là vùng da sưng đỏ, nổi ngứa, ban đỏ.
  • Toxocara (giun đũa chó, mèo): đường lây do nuốt phải ấu trùng của giun. Gián tiếp bằng cách tiếp xúc tay với các vật bị nhiễm ấu trùng. Gián tiếp qua cách ăn đất (geophagia), phân (coprophagia) hay các thực phẩm có trứng giun đũa chó nhiễm. Trực tiếp bằng cách tay nhiễm tiếp xúc các cô bảo mẫu nhiễm mầm bệnh hay miệng, tả lót,…

Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và vị trí ký sinh của sán đối với vật chủ, và biểu hiện triệu chứng bắt đầu từ các cơ quan bị nhiễm. Có thể không có triệu chứng nếu nhiễm trùng nhẹ, ấu trùng có thể lang thang trong gan, phổi, tim, não, mắt và có thể gây ra hội chứng tăng eosin mạn tính, tăng bạch cầu, sốt, gan to, viêm phế quản, giả hen, viêm phổi, viêm cơ tim, động kinh hoặc trị trệ trí tuệ, viêm võng mạc, viêm kết mạc, viêm màng bò đào, viêm nhãn cầu.

  • Echinococcus (sán dãi chó): Khi người hoặc các động vật khác ăn hay nuốt phải trứng sán, vào đến tá tràng ấu trùng được giải phóng ra và chui vào thành ruột, theo tĩnh mạch, bạch mạch, vào hệ thống đại tuần hoàn đi khắp cơ thể. Khó chẩn đoán dựa trên lâm sàng.
  • Toxoplasma Gondii: ký sinh chủ yếu trên mèo, thường nhiễm ở những người bị suy giảm miễn dịch và có gây ảnh hưởng lên thai nhi.

5. Bộ kiểm tra tiền sản:các chỉ tiêu viêm nhiễm, có khả năng gây dị tật cho thai nhi hay ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ:

  • Toxoplasma, Rubella
  • HIV, Sylphilis
  • Sau khi kiểm tra thì nếu không nhiễm Rubella thì có thể chích ngừa Rubella và cúm cho nhóm phụ nữ trước khi mang thai.